Gần đây, tôi tư vấn cho một số bạn về quy trình tự xuất bản. Phản ứng chung của các bạn đó là: “Nhiều loại chi phí thế cơ à?”
Trong bài https://www.facebook.com/photo/?fbid=122097761810766263&set=a.122094300026766263, tôi đã đề cập tới các chi phí cần thiết khi xuất bản, chẳng hạn như biên tập, dàn trang, thiết kế bìa. Tôi rất hiểu tâm trạng của người tự bỏ tiền xuất bản, mỗi chi phí là một tầng áp lực, có thể bỏ được cái gì thì bỏ ngay.
Xin phân tích sơ sơ rủi ro khi bạn lơ là một công đoạn nào đó, bỏ qua trường hợp bạn có năng lực chuyên môn trong khâu đó.
1. Thiết kế bìa
Bìa là yếu tố gây ấn tượng đầu tiên với người mua sách nhưng người tự xuất bản thường có suy nghĩ mình có thể tự thiết kế bìa bằng các phần mềm miễn phí online đầy rẫy trên mạng, chẳng hạn như canva.
Bìa sách giấy khác bìa ebook. Bìa sách giấy cần phải thể hiện đầy đủ các thông tin theo quy định. Ngoài ra, nếu bạn không có kinh nghiệm tính độ dày gáy, rất có thể cái bìa của bạn nhìn giống sách lậu do các mảng màu không ăn khớp.
Hãy tưởng tượng bạn đến một bữa tiệc với vô số trai xinh gái đẹp, bạn sẽ đến làm quen với một người ăn mặc kì khôi ư?
2. Biên tập
Bìa rốt cuộc chỉ là bề ngoài. Nếu bạn là người mua sách về để đọc thì cho dù bìa xấu nhưng kết cấu nó ngon, bạn vẫn sẽ thích nó. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn vừa mở trang đầu tiên, đập vào mắt đã là chục lỗi chính tả, dăm lỗi diễn đạt, chưa kể các lỗi kiến thức?
Mấy năm trước, tôi biên tập hộ một người quen cuốn sách. Trong sách có một chi tiết là “chín hành tinh của hệ Mặt trời”. Tôi sửa lại thành “tám”. Tác giả nhìn thấy còn sửng cồ với tôi. Tôi phải gửi cho cô ấy một bài viết khoa học rằng sao Diêm Vương đã bị loại khỏi hệ Mặt trời từ năm 2006, cô ấy mới chịu.
Hoặc gần đây, tôi tư vấn xuất bản cho một bạn viết rất giỏi. Số bài bạn ấy đăng báo, đoạt giải nhiều hơn tôi nhiều. Chính vì thế, khi tôi hỏi bản thảo đã có ai biên tập chưa, bạn ấy trả lời không cần biên tập. Nhưng sau đó, có lẽ về quý mến tôi nên lúc tôi bảo chị nghĩ bản thảo này cần phải biên, bạn đã đồng ý. Giờ thì tôi tin rằng bạn ấy hoàn toàn hài lòng về quyết định đó của mình. Viết và biên là hai việc khác nhau. Người biên tập đứng ở vị trí khách quan, có thể chỉ ra cho người viết những điều mà khi viết, họ không nhận ra, chưa kể kiến thức của người biên tập có thể bổ sung cho bản thảo.
Một cái bìa xấu có thể bọc lại bằng một tờ giấy đẹp, nhưng nội dung lỗi thì không gì sửa được. Vì thế, tôi thành thật khuyên các bạn đừng tiếc tiền mà bỏ qua khâu này.
3. Dàn trang
Chỉ cần google là bạn tìm được hướng dẫn cách dàn trang. Thao tác khá đơn giản nên bạn nghĩ tội gì phải trả tiền cho khoản này, mình tự làm cũng được mà. Tất nhiên là bạn làm được, nhưng có đẹp hay không thì chưa chắc. Bạn có chắc mình đủ kinh nghiệm chỉnh rớt trang, rớt dòng, bù xén… không?
4. Sửa bản in
Đây là công đoạn cuối cùng trước khi đem in. Trong khâu này, tất cả các lỗi (nếu còn) cần được loại bỏ để có được cuốn sách chuẩn chỉnh. Quan trọng đến thế mà bạn định bỏ đi ư?
Bạn đổ vô vàn tâm huyết vào bản thảo nhưng lại tiếc ngân sách giúp nó trở nên hoàn chỉnh. Điều này giống như một người mẹ ra sức bồi bổ cho em bé trong bụng nhưng khi chọn nơi sinh lại tiếc tiền vào viện, quyết định tự đẻ ở nhà không có trợ giúp từ những người có chuyên môn, với niềm tin rằng mình sẽ vượt cạn ngon lành. Điều đó có thể xảy ra, nhưng với xác suất nào thì không biết.
—
Liên hệ tư vấn xuất bản sách:
Đinh Phương Ly, M.Sc.


