Khi viết văn, nên dùng chữ số hay chữ khi viết số? Nghe có vẻ rất đơn giản, chỉ cần đặt quy tắc rồi chiếu theo đó mà làm chứ gì mà khó. Cái khó ở đây là chúng ta chưa có bộ quy tắc chung đủ chi tiết nên việc sử dụng như thế nào phụ thuộc vào biên tập viên của từng cuốn sách.

Xét ví dụ:
Tôi đi lên tầng 5 của căn nhà chín tầng.

Tôi đi lên tầng năm của căn nhà chín tầng.

Không có quy định nào nói cách viết dưới là sai, nhưng cá nhân tôi thấy không đẹp. Vì thế, với số thứ tự, tôi ưu tiên dùng số.

Ví dụ:
Trong ví cô còn 560 nghìn đồng.

Trong ví cô còn năm trăm sáu mươi nghìn đồng.

Viết thế nào cũng được, tuy nhiên, trong trường hợp muốn nhấn mạnh vào con số, tôi sẽ dùng cách dưới còn các trường hợp khác, dùng cách trên. Chẳng hạn như: “Cô vét sạch túi áo, túi quần, túi xách, tất cả chỉ còn tổng cộng năm trăm sáu mươi nghìn năm trăm đồng, không đủ sống tới cuối tháng.”

Ví dụ:
Bây giờ là 9 giờ 43 phút, anh đã chạy liên tục bảy tiếng đồng hồ.

Ví dụ:
Cô đã vĩnh viễn kẹt lại ở tuổi mười tám, tại một vùng rừng hoang vắng.
Cụ trút hơi thở cuối cùng vào một chiều mùa đông, thọ 123 tuổi.
Ở câu dưới, tôi cảm thấy nếu viết là “cụ trút hơi thở cuối cùng vào một chiều mùa đông, thọ một trăm hai mươi ba tuổi” thì không đẹp nên rất có thể tôi sẽ bỏ qua quy tắc đồng bộ mà sử dụng hai kiểu diễn đạt số tuổi khác nhau trong cùng một bản thảo.
Nhiều khi tôi nghĩ người đọc chắc gì đã để ý tới những chi tiết nhỏ như thế mà mình cứ làm kỹ quá chi. Nhưng chắc tôi mắc chứng OCD, không phát hiện, không nhớ ra thì thôi, phát hiện rồi nhất định phải sửa, phải rà lại bản thảo từ đầu tới cuối lượt nữa. Không biết mắc chứng này thì nên đi làm biên tập hay không nên làm biên tập, tránh cho bệnh nặng thêm 

Xin gửi một
tới ai đủ kiên nhẫn đọc tới dòng cuối này vì tôi biết chủ đề này rất nhàm chán.
