Sách bỏ túi là những cuốn sách có kích thước nhỏ gọn (bé hơn khổ bình thường), bìa mềm, dễ mang theo, quan trọng nhất là chúng có giá thành thấp, phục vụ đại chúng. Tại nhiều nước, sách bỏ túi không chỉ là một “định dạng vật lý” mà là một chiến lược xuất bản, giúp tái bản các tác phẩm giá trị với chi phí thấp hơn, mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả.

Xuôi dòng lịch sử, năm 1934, Allen Lane trên đường tới thăm Agatha Christie đã dừng chân trước một cửa hàng sách tại nhà gà và vô cùng thất vọng vì không thể tìm được một cuốn sách chất lượng tốt, giá phải chăng. Từ đó, ông sáng lập Penguin Books với mục tiêu “Good books for the price of a packet of cigarettes” (sách hay với giá chỉ bằng một bao thuốc lá). Những cuốn sách đầu tiên ra đời với kích thước bỏ túi đã tạo ra một cuộc cách mạng văn hóa đọc, mở đường cho sự phổ biến đại chúng của tiểu thuyết, văn học cổ điển và tri thức học thuật. 1984, Animal Farm (Trại súc vật) của George Orwell, Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) của Jane Austen, các tác phẩm của Charles Dickens, Shakespeare, Emily Brontë đều góp mặt trong series Penguin Classics với thiết kế khổ nhỏ và giá bình dân.

Ở Pháp, Hachette Livre có dòng sách Livre de Poche (sách bỏ túi) bắt đầu từ năm 1953 đã trở thành biểu tượng của phong trào trí thức hóa công chúng, đặc biệt trong giới sinh viên, công nhân thời hậu chiến. Marcel Proust, Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre đều có mặt trong dòng sách bỏ túi, giúp triết học Pháp không còn là “món ăn chỉ dành cho giới hàn lâm”. Étranger (Người dưng) của Albert Camus là một trong những cuốn livre de poche bán chạy nhất mọi thời đại.

Ở Nhật là bunkobon (文庫本): Sau Thế chiến 1, các nhà xuất bản như Kodansha, Shinchōsha, Kadokawa… thi nhau phát triển dòng bunkobon với đủ thể loại: văn học hiện đại, trinh thám, light novel… Không giống nhiều nước, bunkobon chưa bao giờ lỗi thời ở Nhật, đến nay vẫn là định dạng chính để tái bản sách bán chạy hoặc đưa sách mới ra thị trường đại chúng. Gần như toàn bộ tiểu thuyết của Haruki Murakami đều được tái bản dạng bunkobon sau bản khổ lớn, trong đó có Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, 1Q84… Natsume Sōseki (夏目漱石), cây đại thụ văn học Nhật: tác phẩm Kokoro (Trái tim) trở thành biểu tượng dòng bunkobon Iwanami Bunko.

Ở Mỹ là mass market paperback ra đời vào khoảng thập niên 1930–40, đã mang văn hóa đọc đến mọi tầng lớp, đặc biệt là tầng lớp lao động và trung lưu. Gần như toàn bộ các tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie đều được phát hành bản mass market paperback. Điều này giúp bà trở thành nữ nhà văn có lượng sách bán chạy nhất mọi thời đại.

Ở Đức là Reclam Universal-Bibliothek của Reclam Verlag ra đời từ năm 1867, là một trong những dòng sách bỏ túi lâu đời nhất thế giới, chuyên in các tác phẩm văn học cổ điển Đức và thế giới, được dùng trong trường học, có thiết kế bìa vàng đặc trưng, gọn như một cuốn sổ tay, giá rẻ đến mức “ai cũng mua được”. Goethe, Schiller, Kafka… những tên tuổi lớn của văn học Đức đều được in lại trong các tập Reclam khổ nhỏ, bìa vàng. Học sinh Đức thường “trưởng thành cùng Reclam” – những tập bỏ túi giúp họ làm quen với văn học kinh điển từ trung học.

Còn ở Việt Nam, cách đây gần 30 năm, rất nhiều đầu sách được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi. Ví dụ như Sherlock Holmes, Tứ quái TKKG, Kính vạn hoa, các tác phẩm văn học kinh điển như Nanh trắng, Tiếng gọi nơi hoang dã, Robinson Crusoe…, nhiều truyện kể về các vị anh hùng thiếu niên như Phạm Ngọc Đa, Kim Đồng… Hay gần đây, nổi tiếng nhất là bộ 5 cuốn sách ông Đặng Lê Nguyên Vũ tặng thanh niên Việt Nam.

Rất nhiều tác giả khi xuất bản sách ngần ngại không lựa chọn khổ sách bỏ túi bởi họ cảm thấy sách nhỏ quá, đem tặng “không sang”. Tôi thì không nghĩ thế, khổ sách nhỏ nhắn phù hợp với ngân sách bé bỏng của tác giả mới, tác giả trẻ (hoặc thậm chí cả tác giả già nhưng nghèo như tôi). Nó còn thuận lợi với tác giả muốn ra sách nhưng chưa viết được nhiều, gom mãi chưa đầy một cuốn khổ phổ thông. Một cái bìa đẹp và phù hợp nội dung đủ sức giúp cuốn sách trở nên bắt mắt ngay ấn tượng đầu tiên không thua bất kỳ cỡ sách nào, có khi còn hơn vì ngoại hình đặc biệt của nó. Khổ sách không làm giảm giá trị nội dung. Với ưu thế giá thành, nó giúp tác giả tiếp cận người đọc tốt hơn. Tôi thậm chí còn mong rằng dạng sách này sẽ giúp phổ cập văn hóa đọc ở Việt Nam giống như nó đã từng làm ở nhiều nước trên thế giới.

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *