Tôi thích phim này từ những giây đầu tiên. Oppenheimer bị ám ảnh về vật lý lượng tử khi đó còn rất mới mẻ, đặc biệt là ở Mỹ. Vì thế, anh đến châu Âu. ở đây, anh gặp Niels Bohr, người được Nobel Vật lý năm 1922; rồi Werner Heisenberg, giải Nobel Vật lý trong hai năm liên tiếp 1932, 1933, là (một trong những người) đưa ra lý thuyết về cơ học lượng tử, idol một thời của tôi. Chính đoạn này khiến tôi thổn thức, nó như một giấc mơ xa xưa bị thời gian phủ bụi nay lại nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Rất lâu, rất lâu rồi, khi còn là một học sinh chuyên Lý, tôi cũng có những ước ao khám phá thế giới lượng tử, muốn được trở thành một người giống như họ. Dĩ nhiên, với IQ cách idol mấy con phố tắc hơn cả đường Trường Chinh giờ tan tầm, tôi xin cover bài Giấc mơ chỉ là giấc mơ.
Đây là một bộ phim tiểu sử dài ba tiếng và dễ hiểu hơn mấy phim trước của Nolan nhiều, tuy không đẹp trai bằng Inception hay Tenet. Phim không có những tình tiết lắt léo xoắn vặn không – thời gian đánh đố, chỉ đơn giản là câu chuyện cuộc đời của Oppenheimer, quan điểm của ông về b.om hạt nhân.
Alfred Nobel từng hối hận vì phát minh của mình bị dùng vào các mục đích xấu. Mikhail Kalashnikov cũng luôn mong ước một thế giới không có chiến tranh. Tôi cũng từng thắc mắc người tạo ra hai quả b.om Fat Man và Little Boy đã nghĩ gì khi tạo ra thứ vũ khí khủng khiếp đó. Xem phim này, tôi cảm giác như đó là số phận, nếu không phải là Oppenheimer thì có thể là Teller.
Tôi thích đoạn Oppenheimer nói rằng cơ hội duy nhất của bọn họ là chủ nghĩa bài Do Thái. Người Đức có trong tay thiên tài Werner Heisenberg nhưng vẫn chậm hơn người Mỹ vì Hitler cho rằng v.ũ khí hạt nhân là của người Do Thái. Oppenheimer hy vọng sự căm ghét cảm tính đó sẽ ngăn cản Hitler cung cấp các nguồn lực cần thiết để nghiên cứu nhanh chóng loại v.ũ khí này. Kể ra cũng may, nếu Đức mà thành công thì giờ chắc không chỉ An-dát và Lo-ren phải học tiếng Đức đâu.
Phim không cắt giây nào, kể cả mấy cảnh xiếc. Cảnh xiếc đầu tiên, tôi thấy không cần thiết, cảnh thứ hai, tôi cũng thấy không nhất thiết đưa vào. Đến cảnh thứ 3, Jean chơi thú nhún trên người Oppenheimer trước mặt ủy ban điều trần (trong trí tưởng tượng của Kitty và Oppie) thì tôi mới nhận ra hai cảnh trước là cần thiết. Tự vả cho mình hai phát vì tội nghĩ rằng có thể soi ra lỗi của Nolan.
Âm nhạc của phim hay tuyệt đỉnh. Nếu tôi ra rạp xem lại lần nữa thì chắc chắn là vì thoại và âm nhạc. Đoạn đầu, phim nhắc tới Lễ tế mùa xuân của Stravinsky nên đến khoảnh khắc thử nghiệm nổ b.om lần cuối, tôi cứ nghĩ music background sẽ dùng tổ khúc Con chim lửa. Nhưng không, tự tát mình thêm hai cái, Nolan sao lại có cùng suy nghĩ với kẻ tầm thường như tôi được. Đúng sát na b.om nổ, mọi âm thanh đều tắt hết, toàn bộ tập trung vào thị giác. Xem phim chỉ dùng mỗi hai giác quan là thính giác với thị giác, mất đi một tức là tác động của giác quan còn lại tăng lên gấp bội. Xem mà như bị cuốn theo luôn.
Ai chê thoại phim này dài với khó hiểu ấy nhỉ? Tôi mê muốn chết luôn. Có khi còn phải tìm kịch bản phim về đọc ấy chứ.
Diễn xuất thì thôi, không cần nói nữa, nhìn dàn diễn viên đủ biết rồi. Khen nó thừa ra.
Kể ra, Nhật cho chiếu phim này cũng mạnh dạn đấy. Nếu là tôi, tôi không cho chiếu luôn. Phân đoạn liên quan đến hậu quả của hai quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki tuy rất ít và ngắn nhưng ám ảnh. Người nhà nạn nhân xem được sẽ vô cùng đau lòng.
Tóm lại là phim hay lắm. Đi xem đi bà con.