Trong lúc lang thang trên mấy group viết, tôi gặp một bài đăng nhờ đóng góp ý kiến, các bình luận bên dưới đều nói rằng bạn viết quá nhiều thoại.
Tôi chưa từng thống kê định lượng nhưng về định tính thì có thể thấy rằng nhiều truyện hầu chẳng có câu thoại nào, truyện lại gần như toàn là thoại. 𝐕𝐚̣̂𝐲, 𝐬𝐨̂́ 𝐥𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐨𝐚̣𝐢 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐭𝐫𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐧𝐠𝐚̆́𝐧 𝐛𝐚𝐨 𝐧𝐡𝐢𝐞̂𝐮 𝐥𝐚̀ 𝐯𝐮̛̀𝐚?
Có ý kiến rằng “một người ko nói quá ba dòng ko nghỉ. Và đoạn thoại ko nói qua quá ba đoạn mà không có thẻ hành động” (Lời bạn Nguyễn Tâm; theo như bạn nói, đây là nguyên tắc viết trong cuốn How to Write Dialogue: A Busy Writer’s Guide, First Edition, Copyright © 2013 Marcy Kennedy). Tình cờ làm sao, tôi vừa đọc truyện ngắn Phẫu thuật của Anton Chekhov – một bậc thầy truyện ngắn. Hơn 70% truyện là thoại, thoại liên tục, thoại dài dằng dặc luôn nhưng chưa ai nói nó dở. Nếu bạn đã đọc bài Show, don’t tell của tôi bữa trước, hẳn bạn vẫn nhớ thoại cũng là một cách để “show”.
Thế nên, tôi cho rằng, vấn đề không nằm ở số lượng thoại mà ở chất lượng. Lời thoại đó đóng vai trò gì trong tác phẩm? Có đưa thông tin quan trọng không? Có gợi ra cảm xúc không? Có “show” cho bạn điều gì không?
Điều này không chỉ đúng trong viết truyện mà còn áp dụng cho cả kịch bản. Cô Trịnh Thanh Nhã từng nhắc tôi một lần về việc viết những câu thoại “đãi bôi” kiểu như:
Anh A gặp anh B, anh A hỏi:
– Anh đi đâu đấy?
Anh B trả lời:
– Tôi đi thể dục.
Rồi A và B bàn chuyện về công việc (chẳng liên quan gì đến thể dục).
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, muốn biết đoạn thoại đó có cần thiết hay không, chỉ việc cắt luôn đoạn đó đi xem truyện có bị ảnh hưởng không, hoặc thay bằng một đoạn tóm tắt để giữ nội dung chính (nếu cần) hoặc tùy thuộc vào không khí truyện, nếu truyện đang theo mạch sâu lắng, đi vào nội tâm thì có thể chuyển thoại trực tiếp thành cách kể gián tiếp.
Ví dụ: Anh A gặp anh B, hai người hồ hởi chào hỏi nhau rồi bàn chuyện về công việc.
Đây chỉ là tổng kết dựa trên kinh nghiệm hạn hẹp của cá nhân tôi, rất mong các bạn đóng góp thêm ý kiến.