81 án Tây Du (tập 2) – Tây Vực liệt vương ký
Tác giả: Trần Tiệm
Phát hành: Tsuki Trinh Thám
Dịch giả: Lucia Nanami
Reviewer: Điền Yên
Link sách: http://bit.ly/2BHe0ZK
Tập 2 này hay không thua gì tập 1, các câu chuyện lồng ghép vào nhau, khi ta vừa tưởng đây là kẻ chủ mưu thì lại lòi ra một boss khác to hơn.
Bối cảnh của truyện là phần sau của tập 1 nhưng không đọc tập 1 mà bay vào tập 2 cũng không quá mức lạ lẫm.
Sau khi phá vỡ một âm mưu tày đình nhắm vào hoàng đế Trung Hoa thì Huyền Trang lại tiếp tục đường Tây Du, và lần này thì nâng level lên phá án xuyên quốc gia. Ở Tây Vực lưu truyền câu chuyện về Chiếc bình của vua Đại Vệ, giống như thần đèn, hắn cho ngươi 3 điều ước, sau khi điều ước số 3 hoàn thành, ngươi phải trả tự do cho hắn. Chiếc bình này là vật trấn quốc của Tát San Ba Tư suốt 400 năm. Có chiếc bình trong tay, không kẻ thù nào xâm phạm được vương quốc. Bởi vì quốc vương không bao giờ ước đủ 3 điều, cứ xong điều 2 thì truyền cho kế hoàng đế, cứ như thế lừa gạt, lợi dụng chiếc bình để duy trì thái bình thịnh trị. Nhưng sức hút của chiếc bình quá lớn, ai mà chẳng ôm ấp những khát vọng khó thành, bỗng nhiên xuất hiện một vị thần có thể biến chúng thành hiện thực, ngay đến người thiền tâm trấn định như Huyền Trang cũng không khói có chút lung lay, đừng nói những người dã tâm sâu nặng. Chính vì thế, chiếc bình trở thành vật bị tranh đoạt khắp Tây Vực. Nhưng thực tế hơn cả chiếc bình, đó là Con đường Tơ Lụa, các quốc gia nhỏ đều phải dựa vào con đường này mà tồn tại, chỉ cần tuyến đường thay đổi là có thể dẫn đến sự hưng thịnh hay suy tàn của cả vương quốc.
Nhân vật chính trong cuộc chiến giành Con đường Tơ Lụa trong Tây Vực liệt vương ký là Yên Kỳ và Cao Xương. Mối tình như Romeo và Juliette của Tam hoàng tử Cao Xương và công chúa Yên Kỳ trở thành công cụ chính trị, có điều, ở đây khác một chút. Công chúa Yên Kỳ xinh đẹp cơ trí, từ nhỏ đã biết mình nặng gánh giang san nên hoàn toàn khinh bỉ chàng hoàng tử si tình tội nghiệp không màng vương vị. Nhưng nếu có thể lợi dụng tình yêu của chàng để đạt được mục đích thì nàng không ngại diễn một vở kịch tình yêu thống thiết. Tam hoàng tử này, ban đầu tôi cực kỳ ngứa mắt vì chàng ta ngoài tình yêu với Long Sương công chúa ra thì chẳng để ý tới bất kỳ cái gì. Giang sơn xã tắc, cha mẹ huynh đệ, danh dự mặt mũi chỉ là mây bay, chàng sẵn sàng tung hê tất cả chỉ vì một nụ cười của giai nhân. Sao trên đời lại có cái loại đàn ông bạc nhược ngu xuẩn thế không biết?! Long Sương Nguyệt Chi nghĩ thế, tôi đồng tình với nàng, cả thiên hạ không ai nghĩ khác, trừ Chu công công – người chăm sóc cho hoàng tử từ nhỏ. Trong mắt ông, chàng là người thông tuệ nhất. Mãi khi đọc đến cuối truyện tôi mới nhận ra Chu công công đã đúng. Không phải chàng là boss cuối, toàn bộ câu chuyện đều là mưu kế của chàng như tôi đã đoán mò ban đầu mà tận đến phút cuối cùng, Khúc Trí Thịnh vẫn là 1 người chỉ đặt Long Sương Nguyệt Chi làm mục tiêu tối thượng. Đó chính là điểm cao minh của chàng, biết rõ mình muốn gì, luôn một mực bám đuổi mục đích, không hề suy chuyển, bất chấp thế nhân, nhưng về sau, trên con đường Tây Du với Huyền Trang, chàng đã học được nhiều điều, biết buông bỏ mà không từ bỏ.
Thực ra, gây ấn tượng sâu sắc nhất với tôi trong bộ truyện này là hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất có thể viết thành một bộ ngôn tình. Khi đọc lịch sử, tôi luôn suy nghĩ về số phận của các nàng công chúa hòa thân – những cô gái chân yếu tay mềm gánh trọng trách của cả dân tộc, phải phát triển duy trì mối quan hệ giữa 2 quốc gia, phải đóng vai trò gián điệp công khai. Các nàng có khác gì chất tử, là con tin đưa đến dị quốc, quan hệ hai nước tốt đẹp thì nàng được tử tế, bằng không, sự khó khăn mà các nàng phải đối mặt thật khó tưởng tượng nối. Nếu quốc gia của nàng bị diệt vong, nàng chỉ là con bài vứt đi. Chết không chết được vì còn phải gánh trách nhiệm với lưu dân sống sót, sống cũng không xong, nhất là khi trượng phu của nàng là một kẻ khốn nạn. Vũ Văn Ngọc Ba là công chúa thời Tùy Mạt, sang Cao Xương hòa thân. Năm đầu tiên, phu thê ân ái, nhưng sang năm tiếp theo, nhà Tùy sụp đổ, vương triều Cao Xương bị đảo chính, nàng cùng hoàng tộc Cao Xương phải nương nhờ Đột Quyết. Một nàng công chúa vong quốc như nàng thì còn có tác dụng gì ngoài nhan sắc? Chồng nàng đẩy nàng lên giường quý tộc Đột Quyết, cố giành chút lợi ích. 6 năm lưu lạc là 6 năm nàng chịu đủ khuất nhục, đến khi giành lại được vương quyền, hắn vẫn phong nàng làm vương phi nhưng đêm đêm hàng hạ tra tấn nàng, khiến toàn thân nàng đầy vết thương thê thảm, khiến tâm hồn nàng chết tàn chết lụi. Nhưng nàng không dám tự sát vì con dân nàng vẫn còn sống, vì nàng tìm được một người yêu nàng. Người ấy vì nàng mà ủ mưu mười mấy năm, chỉ cần hắn lên ngôi, nàng sẽ là vương phi của hắn. Nhưng cả nàng và hắn lại đều chỉ là quân cờ trong một ván cờ của người khác. Người này cũng vì oán hận mà âm thầm lập kế 20 năm, không ngại hủy hoại ngàn vạn người. Trí tuệ của y thật khó lòng đo đếm được. Rốt cuộc, Ngọc Ba – nàng công chúa hòa thân của vong quốc vẫn không thể đến được với người mình thương. “Nhà gả ta tới phương trời xa, tới vùng dị quốc vua Ô Tôn cai trị. Lều vải thay nhà, tường là chăn dạ, lấy thịt thay cơm, sữa dùng thay nước. Ở nơi này thường đau lòng tưởng nhớ, muốn làm cánh hạc tìm về lại cố hương.”
Và câu chuyện thứ hai khiến tôi nhớ đến Bạch Dạ Hành, dù người ấy đang ở dưới ánh mặt trời chói lọi vẫn như bước đi trong bóng tối u ám vĩnh hằng. Câu chuyện này, nếu tôi kể ra thì sẽ lộ hết bí mật.
Huyền Trang là mắt xích kết nối tất cả những câu chuyện này. Là Phật tử nhưng dường như ngài theo chủ nghĩa duy vật, ngay từ đầu đã không tin ma quỷ, không tin chiếc bình kia thực sự có thần yêu trấn yểm mà đã dự đoán có người bày ra mưu ma chước quỷ hòng xáo động lòng người. Ngài làm mọi kế hoạch thay đổi, là người chứng kiến nỗi bi thương, lòng tham hận của con người, ý chí tới Thiên Trúc thỉnh kinh của ngài càng thêm sắt đá. Bằng lòng nhân từ và trí thông minh của mình, ngài đã phá giải bí mật lưu truyền hơn 400 năm về Chiếc bình của vua Đại Vệ. Nhưng dù sao, ngài cũng chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi trong dòng chảy lịch sử, bánh xe số phận không vì ngài chặn mà dừng lại. Người phải chết vẫn chết, người không phải chết cũng chết. Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên, người tính không bằng trời tính, tưởng đã xong hết rồi mới đau đớn nhận ra bao công lao khổ cực của mình bấy lâu chỉ đổ ra sông ra biển, toàn bộ kế hoạch đã hỏng ngay từ bước đầu tiên.
Văn phong tác giả vẫn như tập 1, viết rất chắc tay, tìm hiểu kỹ càng lịch sử, lồng những chi tiết có thật vào tác phẩm tưởng tượng của mình. Lời văn vừa gay cấn vừa hóm hỉnh. Ví dụ như đoạn Huyền Trang và Khúc Trí Thịnh bị bắt, ném xuống một cái giếng hoang:
“- Sư phụ, đệ tử sợ chết. – Khúc Trí Thịnh thành thật nói – người dùng Phật pháp khuyên răn đệ tử đi.
– Bần tăng không có cách nào dùng Phật pháp để khuyên răn con, – Huyền Trang tiếp tục ngáp.
– Tại sao? – Khúc Trí Thịnh buồn bực.
– Bởi vì… – Huyền Trang duỗi chân ra cho hỏi mái một chút, nước tron giếng ào ào vang lên, – trong lòng bần tăng đang niệm A Di Đà Phật, khi sợ chết, ta lập tức nghĩ rằng có lẽ sau khi chết rồi vừa nhắm mắt lại liền có thể nhìn thấy Phật. Như vậy bản thân lại cảm thấy vui vẻ. Nhưng con thì sao? Trong lòng con chỉ nhớ đên Long Sương Nguyệt Chi, nếu vừa nhắm mắt mà lại nhìn thấy Phật A Di Đà, con chắc là không thấy vui vẻ đâu.”
Dịch giả của tập 2 này cũng rất tốt. Truyện có khoảng hơn chục lỗi chính tả và ngữ pháp. Giá bìa 186K nhưng với lượng trang sách này thì giá đó là xứng đáng. Sách nặng 850g, nằm đọc chỉ sợ rơi vào mặt thì lại được lý do chính đáng đi làm lại mũi. Cùng một hình vẽ, màu cát rất hợp với cái tên truyện vì vùng Tây Vực luôn làm tôi nghĩ đến gió, cát và sa mạc.
Truyện hay, đáng đọc. Vô cùng ngóng chờ tập 3 và các tác phẩm khác của Trần Tiệm,