Tác giả: Lôi Mễ
Reviewer: Điền Yên
—-
Sau hai cuốn gần nhất là Tâm nguyện cuối cùng và Nàng tiên cá khá gây thất vọng thì tôi cũng hơi run khi đọc Răng khôn, nhất là khi đây lại là tập truyện ngắn đầu tay của thầy Lôi. May mắn là Răng khôn hấp dẫn hơn 2 cuốn kia nhiều.
Răng khôn gồm 8 truyện ngắn, truyện đầu tiên chiếm gần nửa quyển, các truyện sau ngày càng ngắn hơn, nhưng ngắn mà nội dung vẫn tròn vẹn nha.
Truyện đầu tiên – “Mặt trời mọc” – mở đầu khá gay cấn: vợ của một cảnh sát và nhân tình của cô ta bị tai nạn đúng lúc bọn họ chơi trò chim chuột. Tôi thấy thương cho anh chàng cảnh sát. Bị cắm sừng đã khổ lắm rồi, đây là còn bày ra cho bàn dân thiên hạ biết. Nhưng đoạn sau còn “bánh cuốn” hơn: một gã đàn ông bị tống tình đi trộm xe rồi giết người lại bị hai thằng nhãi cướp của. Rất nhiều sự tình cờ diễn ra như sự sắp xếp tàn nhẫn của số phận. Con người bị cuốn vào dục vọng, lòng tham, tội lỗi, hận thù… không thoát ra được. Ai thoát được thì người đó thành chính quả.
Truyện thứ hai cũng chính là tên của tập truyện – Răng khôn – mở đầu với một đồng chí cảnh sát mới vào nghề đang mọc răng khôn nhưng tôi lại cảm thấy nhân vật chính của truyện là anh Trảm mới đúng. Cái cặp công an già + công an trẻ này làm tôi nhớ đến 13.67. Đồng chí nào mới vào nghề cũng tràn đầy khát vọng thực thi công lý theo cách lý tưởng nhất rồi bị thực tế vả cho không trượt phát nào. Câu chuyện của anh Trảm khiến tôi thích đến nỗi phải ghi vào sổ để làm tư liệu. Có lẽ vì tôi thường ấn tượng những vụ bế tắc với thủ phạm.
Truyện thứ ba – Tro tàn của chiếc bóng – có cú twist khá bất ngờ. Tình yêu tuổi trẻ vừa đẹp vừa đáng sợ. Vì tình yêu, người ta có thể làm những điều không thể tin nổi.
Nhìn từ khía cạnh trinh thám, phong cách của Răng khôn khác hẳn các tác phẩm trước đây của thầy Lôi, thậm chí một số truyện trong tập sách còn không có yếu tố trinh thám nào nhưng tính xã hội cao (làm tôi tưởng thầy Lôi học theo Keigo). Tôi theo quan điểm mọi vụ án đều có câu chuyện đằng sau nên với cá nhân tôi, đây không phải là điểm trừ. Nhìn từ khía cạnh tư tưởng, tôi nghĩ Lôi Mễ đã có một bước đi mạnh mẽ khi không phất cao lá cờ của Đảng một cách lộ liễu như trong Tâm nguyện cuối cùng. Ngược lại, Lôi Mễ không ngại viết ra một số tính xấu của cảnh sát và “người của nhà nước”. Ví dụ như truyện thứ 7 – “Sóng biển” của Vương Bảo Thuyên – nhắc đến một thời kỳ ngu muội của Trung Quốc. Khi ấy, những tâm hồn còn biết rung động với cái đẹp bị coi là đi chệch đường, phải che giấu, thậm chí phải chết.
Độ ưa thích: 8/10