Tác giả: Stefan Zweig
Phát hành: NXB Trẻ
Đầu tiên, phải nói là bìa của cuốn này xấu tệ xấu hại, ở mọi bản in. Chẳng thà chỉ vẽ mỗi cái bình hoa hồng đặt trên bàn còn hơn.
Tôi đọc truyện này hai lần, cách nhau khoảng mười năm. Lần đầu tiên, khi tôi tầm 15 tuổi, bằng tuổi nữ chính trong câu chuyện. Tôi đã chửi cô ta đến vuốt mặt không kịp. Trong mắt tôi, cô là một phụ nữ ngu si vì tình. Yêu một người thậm chí còn chẳng nhớ đến sự tồn tại của mình, sinh con cho anh ta (anh ta cũng không hề biết đến sự tồn tại của đứa con đó), rồi chết đi mới kể lại cho anh ta hay nỗi tình đơn phương của bản thân suốt mấy chục năm dài. Thật quá phí hoài tuổi xuân và tình cảm. Tôi không chửi ông nhà văn vì ông ấy đâu bắt buộc phải nhớ tới một cô bé hàng xóm nào đó, một cô gái bao (trong con mắt của ông) nào đó, chỉ chửi cô gái ngốc nghếch kia mà thôi.
Mười năm sau, tôi đã không còn trách cô gái nữa. Thay vì đánh giá nhân vật dựa trên quan điểm cá nhân, tôi nhìn nhận nhân vật theo cách tác giả khắc họa. Bất kể nhân vật ngớ ngẩn, kỳ quặc (theo nhân sinh quan của tôi) đến đâu, chỉ cần tác giả xây dựng logic, tôi đều chấp nhận mà không phán xét. Tôi không tin tình yêu trong câu chuyện, nhưng đây là văn học mà, người ta có thể cường điệu và viết bất kỳ điều gì.
Có một điều mà mười năm trước hay mười năm sau tôi không hề thay đổi. Đó là niềm yêu thích đối với văn phong của Stefan Zweig – ngôn ngữ điêu luyện, khai thác tâm lý nhân vật tuyệt hảo. Không chỉ riêng cuốn này mà tất cả các truyện ngắn khác đều thế.
“Bức thư của người đàn bà không quen” để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc đến nỗi, một cách vô thức, truyện tôi viết rất hay có hình ảnh lọ hoa trên bàn. Ai đọc truyện sẽ biết hình ảnh đó như thế nào. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ câu cuối cùng của truyện: “Và ông nhớ tới người yêu vô hình ấy một cách cũng hư linh và say đắm như nghĩ tới một tiếng nhạc xa vời.”