15085559_166037933864217_2169371156499613113_n

 

Tác giả: Bernard Minier

Phát hành: IPM

NXB Văn học

Thời gian: 2016

Tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề tôi quan tâm, refer đến nhiều tác phẩm mà tôi thích nên tôi không biết nên review nó như thế nào để tránh sa đà vào các chi tiết nhỏ. Mà lý do tôi thích cuốn này không phải vì tổng thể của nó mà chính vì các chi tiết nhỏ ấy.

Nội dung cơ bản (tôi sẽ ráng không spoil kỹ) là một con ngựa của một ông chủ giàu có đột nhiên bị giết rất kỳ quái. Giết thì giết mẹ đi lại còn bày đặt lôi lên cáp treo trong hoàn cảnh không có người thông đồng thì không làm được. Rõ ràng là cố tình gây chú ý.

Tiếp sau vụ án con người liên tiếp 2 mạng người trong vòng 8 ngày. Cả cảnh sát lẫn lực lượng sen đầm được điều động, chủ yếu là vì con ngựa bởi chủ của nó rất có thế lực.

Điểm chung của hai vụ đầu đó là trên hiện trường xuất hiện DNA của một kẻ không thể là thủ phạm bởi hắn đang bị giam giữ trong hệ thống bệnh viện thần kinh tối tân nhất của châu Âu. Tên thủ phạm đúng là có trí tưởng tượng hay ho. Người đọc là tôi đây còn thấy kỳ cục đừng nói điều tra viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, thủ phạm có suy tính của mình mà cuối truyện các bạn sẽ được biết.

Truyện dày hơn 600 trang, khổ lớn thì gần như không thể chỉ tập trung vào phá án. Gần nửa tác phẩm là các vấn đề râu ria chả lan quyên méo gì mà chỉ để thể hiện quan điểm của nhân vật (hay đúng hơn là của tác giả). Thí dụ như vụ ba thằng nhóc giết một người đàn ông vô gia cư được đề cập ngay đoạn đầu của truyện. Tất cả các tình tiết của vụ án này không dính dáng gì tới vụ án chính nhưng tôi lại rất thích chi tiết này. Vì không thuộc án chính nên tôi có thể tóm tắt lại cho các bạn như sau: Ba đứa trẻ vị thành niên bị buộc tội giết một người đàn ông vô gia cư, nghiện rượu. Phản ứng của bọn chúng khi bị bắt là gì? Chả gì hết. Không hối hận, không sợ hãi, coi như đó là một trò chơi, loại bỏ giúp xã hội một kẻ rác rưởi. Bọn chúng được giáo dục trong một xã hội coi thường tất cả trừ bản thân. Tự coi mình thuộc tầng lớp cao hơn, chúng xoay hướng sang buộc tội nạn nhân say rượu rồi chết đuối. Đồng thời, trong nội bộ ba đứa, sự bất công cũng hình thành. Cha của đứa lớn nhất ở tầng lớp thấp hơn cha đứa nhỏ nhất. Cha đứa nhỏ nhất tìm cách hướng toàn bộ tội (nếu bị kết án) sang đứa yếu thế nhất nhóm. Không quá liên quan, tôi bỗng nhớ đến bộ phim Sleepers (review bài khác).

Nhân vật Hirtmann trong truyện gợi nhớ đến Hannibal Lecter – một kẻ thái nhân cách phản xã hội tuyệt đối, cực kỳ thông minh và tàn ác, không hề biết thương xót.

Giống như kha khá các truyện/phim trinh thám/kinh dị khác, Băng cũng có một người bất chấp an nguy bản thân, dò dẫm bám theo một bóng đen trong đêm đéo hiểu để làm gì, và dĩ nhiên, sẽ được đạo diễn hay tác giả ưu ái cho phát hiện ra bí mật động trời nào đó hoặc cái chết của cô ta (thường là “cô ta’ vì tính tò mò của phụ nữ lớn hơn đàn ông) sẽ giúp người xem phát hiện ra. Trong truyện này, đó là em Diane. CV ẻm rất hoành tráng nhưng ẻm thệ hiện duy nhất 1 điều – mình là 1 con ngu.

Anh main Servaz thì yếu ớt như một bông hồng. Ảnh sợ độ cao, sợ tốc độ, sểnh ra là chóng mặt, đi theo dõi thì quên mẹ súng trong xe, hôm nhớ ra mang theo thì tuột tay làm rơi con bà nó xuống đất.

Thời đã có Obama mà điện thoại của cảnh sát đất nước Pháp văn minh như lìn, bữa thì hết pin, bữa thì rơi trong xe ô tô thôi mà tan mợ nó thành 2 mảnh. Lại còn không có camera. Sống thế thì sống làm giề? Sang Việt Nam sếp’ss cho mấy con Ộp pô.

Tôi nói những điểm trên không phải chê. Tuy hơi ngớ ngẩn chút nhưng nó đời thường, không biến cảnh sát thành thần thánh như các bạn Tàu. Các nhân viên điều tra cực kỳ vất vả, căng thẳng khiến bề ngoài nhiều khi trở nên bệ rạc, nào có ngời ngời như hot boy kiểu Phương Mộc hay Tần Minh trên phim.

Toàn bộ câu chuyện được hình thành từ tội ác rất nhiều năm trước. Tôi thấy ghê sợ con người. Tội ác giống mầm độc, gieo xuống đất và nảy chồi, phát triển thành một mạng lưới chằng chịt. Tệ hơn cả, có nhiều hạt giống tội ác lại được nguỵ trang dưới hình thái đẹp đẽ. Tôi tự hỏi nếu những kẻ bỉ ổi đó bị hành quyết ngay lúc khởi đầu thì chuỗi tội ác tiếp theo có diễn ra không hay chúng thực sự vẫn nảy sinh những tên tội phạm mới bất chấp quá khứ đã được chỉnh đổi.

Quan điểm “con người là những tảng băng trôi. Dưới mặt nước là một khối khổng lồ những thứ họ không bao giờ nói với ai, một nỗi khổ đau và bí mật. Không có ai thật sự giống như vẻ ngoài của họ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong truyện, hầu hết các nhân vật (trừ những người quá phụ) đều có bí mật và bi kịch trong quá khứ, bất kể hiện nay họ là ai. Hay buổi nói chuyện giữa Servaz và ông thẩm phán về hưu Saint-Cyr, ông thẩm phán sử dụng câu chuyện kinh điển về Churchill, Roosevelt và Hitler, đồng thời lên án truyền thông đã làm lệch lạc cái nhìn của quần chúng.

Không khí truyện khá u ám bởi cái ác hiện diện khắp nơi, trên bề mặt hoặc ẩn tàng bên dưới. Các mối quan hệ phức tạp, kể cả mối quan hệ tưởng chừng hoàn mỹ cũng chỉ như viên ngọc đầy vết rạn mờ.

Nhân vật hay nhất truyện là cô sen đầm Irène. Cô xinh đẹp, mạnh mẽ, quyết liệt, thông minh và quan trọng hơn cả, cô có một tâm hồn đẹp. Những tưởng cô sẽ thành đôi với nam chính theo motif thường thấy, nhưng không. Cô đã có người yêu – một cô gái xinh đẹp. Thật tuyệt vời!

Có một vài chỗ vì không có cơ hội đối chiếu bản gốc nên tôi không rõ do tác giả hay dịch giả. Ví dụ Vincent trong truyện bị vài đồng nghiệp kỳ thị vì nghĩ anh “lưỡng tính”. Từ đúng ở đây phải là “song tính”. Hay mẹ của Servaz bị mấy gã đàn ông tra tấn đến chết thì ban đầu được nhắc đến với cụm từ “cợt nhả” (ví dụ sau chỉ hơi thắc mắc thôi chứ không hẳn là vấn đề).

Một số câu nói tôi thích.

“Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh với tội ác, và giờ tôi chuẩn bị kết liễu đời mình trong cái lốt củamột kẻ giết người.” Đó là bi kịch của cá nhân người nói, cũng là bi kịch của xã hội khi người anh hùng hóa ra lại là ác quỷ.

“… chẳng có lấy một bằng chứng dù là mơ hồ nhất để chứng minh. Không giả thuyết nào thực tế. Đó là bí ẩn lớn nhất trong toàn bộ sự nghiệp của tôi. Tôi cho rằng mọi thẩm phán và nhân viên điều tra đều sẽ có ít nhất một bí ẩn như thế, vụ án mà họ không lý giải nổi. Và nó sẽ ám ảnh họ đến cuối đời. Một vụ án để lại cho họ dư vị vĩnh cữu của tuyệt vọng, và hầu như bác bỏ tất cả những thành công khác.”

“Môi vụ án luôn có một yếu tố như thế (mảnh ghép không khớp), cứng đầu, không chịu khớp vào bức tranh toàn cảnh. Bỏ nó đi, mọi tình tiết đều có lý. Nhưng nó vẫn ở đấy. Không chịu biến mất. Nghĩa là một thứ gì đó, ở đâu đó, đã vuột khỏi tầm tay chúng ta. Đôi khi nó vô cùng quan trọng. Đôi khi lại không. Một số thẩm phán và điều tra viên đã quyết định tảng lờ, đây thường là nguyên nhân gây ra án oan.”

Chấm điểm: 8.75 (Điểm cao thế này không phải vì chất trình thám mà vì tính xã hội của tác phẩm)

 

One thought on “Băng”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *