Khỏi đề cập ông bố có danh vọng như thế nào vì nó chẳng liên quan gì đến việc ông có hai đứa con tật nguyền. Ngay từ mở đầu, tác giả đã tỏ ra thất vọng và phẫn nộ với Chúa trời vì đã mang đến cho ông hai thiên thần gãy cánh. Có lúc ông muốn quẳng quách đứa con ra khỏi cửa sổ, muốn nó lạc vĩnh viễn trong đám đông để không phải chịu đựng gánh nặng nữa. Đừng trách ông ấy, nếu bạn cũng ở hoàn cảnh đó, bạn cũng sẽ tuyệt vọng vậy thôi. Dù sao, tôi cũng chúc mừng ông. Ít nhất, ông và gia đình còn sống ở nước Pháp văn mình với nhiều dịch vụ hỗ trợ. Nếu ông ở Việt Nam, sinh ra một đàn con tật nguyền vì nhiễm chất độc màu da cam thì hẳn ông chẳng viết quyển sách này đâu mà đã chửi rủa Chúa đến cẩu huyết lâm đầu rồi.
Tôi không hiểu tại sao người ta có thể thấy sự vui vẻ hay hài hước trong cuốn sách này. Tôi chỉ thấy chua chát của người cha bất lực vì không thể làm gì để chữa cho hai con.
Tôi không chấm điểm cuốn sách này vì nó không phải là một tác phẩm văn học. Cho dù đầy chất thơ, và chứa chan cảm xúc, nó vẫn không thuộc về văn học. Nó là hiện thực, về nỗi đau của người cha có hai đứa con tật nguyền – những đứa trẻ không bao giờ lớn, vềngười cha luôn nghĩ mình ba muơi tuổi, người ta sẽ chẳng bao giờ già đi khi con mình không lớn lên
Các vị cha mẹ đang ngày đêm ép con cái thành ông nọ bà kia nên đọc cuốn sách mỏng này, để thấy rằng con mình biết nói, biết tự đứng thẳng đã là một điều may mắn. Thay vì so sánh chúng với “con nhà người ta”, hãy hạnh phúc với những gì mình đang có, hãy yêu thương con cái chứ không phải là biến chúng thành công cụ chiến đấu của quý vị hay người thực hiện ước mơ lỡ làng của quý vị.