Bạn đang có một ý tưởng truyện mới cực kỳ hấp dẫn cứ quanh quẩn trong đầu. Nhưng làm sao để bạn phát triển ý tưởng đó thành một câu chuyện hoàn chỉnh, sẵn sàng để bắt tay vào viết?
Câu trả lời tùy thuộc vào cách tiếp cận cá nhân của bạn đối với quá trình chuẩn bị trước khi viết. Một số người viết, được gọi là plotters (người lập dàn ý), thích phát triển câu chuyện của mình một cách chi tiết trước khi đặt bút trong khi pantsers (người viết tự do) thường không chuẩn bị nhiều trước khi viết nháp, họ thích khám phá câu chuyện ngay trong quá trình viết. Nhiều người viết khác lại nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, rất có thể bạn thuộc tuýp người muốn phát triển ý tưởng truyện trước khi bắt đầu viết. Nếu vậy, bạn thật may mắn. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ 11 bước cơ bản giúp bạn làm sống dậy câu chuyện của mình trước khi đối mặt với trang giấy trắng.
☘ Bước 1: Viết ý tưởng ra
Bạn có một ý tưởng cứ lặp đi lặp lại trong đầu? Dù chúng ta hiếm khi quên những ý tưởng xuất sắc và đầy phấn khích, nhưng việc viết chúng ra ngay lập tức vẫn rất quan trọng. Những thành quả của trí tưởng tượng rất dễ trở nên mơ hồ theo thời gian và càng dễ trở thành điều kỳ diệu khi ta biến chúng thành hiện thực trên giấy.
☘ Bước 2: Phát triển
Khả năng phát triển ý tưởng truyện một cách dễ dàng và hào hứng là dấu hiệu tốt chứng tỏ nó có tiềm năng. Vậy nên đừng đợi nàng thơ gõ cửa. Hãy dành thời gian khám phá và phát triển ý tưởng của bạn ngay bây giờ.
Bạn có thể biến một cảnh thoáng qua trong trí óc thành khởi đầu của một cốt truyện không? Có thể đắp thêm da thịt lên khung xương nhân vật đã nhen nhóm trong trí tưởng tượng không? Hay bạn có thể tìm cách thêm chiều sâu và chuyển động cho bối cảnh mà mình đã hình dung không? Giờ chính là lúc để bạn dấn thân vào “hộp cát sáng tạo” của mình đấy.
☘ Bước 3: Xác định các nhân vật chính
Nhân vật là trái tim của mọi câu chuyện. Hành động của nhân vật chính thúc đẩy cốt truyện, động cơ của họ tạo ra ý nghĩa cho câu chuyện và những thử thách họ trải qua là điều giữ chân độc giả.
Khi phát triển ý tưởng truyện, hãy tìm các nhân vật trung tâm: nhân vật chính (protagonist) và nhân vật phản diện (antagonist) sẽ tạo nên xung đột chính của câu chuyện. Bắt đầu phát triển họ một cách nghiêm túc, bao gồm các yếu tố như:
• Tính cách
• Ngoại hình
• Giọng nói
• Quá khứ
• Khiếm khuyết
• Niềm tin sai lệch
☘ Bước 4: Xác định GMC của câu chuyện
Khi các nhân vật chính đã có mặt, đây là lúc trò chơi, hay nói cách khác là cốt truyện, bắt đầu. Dù bạn muốn khám phá tình tiết trong lúc viết cũng không sao, nhưng để tránh cốt truyện lạc hướng hay bế tắc, bạn nên xác định GMC:
• Goal (Mục tiêu): (Các) nhân vật chính của tôi muốn gì?
• Motivation (Động cơ): Vì sao họ muốn điều đó?
• Conflict (Xung đột): Điều gì ngăn cản họ đạt được mục tiêu?
Có GMC, bạn sẽ xây dựng được nền tảng vững chắc cho cốt truyện, cho phép mục tiêu và động cơ của nhân vật thúc đẩy hành động, và xung đột sẽ xuất hiện một cách tự nhiên; nhờ đó, bạn sẽ dễ phát triển câu chuyện hơn.
☘ Bước 5: Vẽ bối cảnh
Đừng để hành trình của nhân vật diễn ra trên một nền xanh trống rỗng. Sau khi xây dựng nền móng cho câu chuyện, hãy dành thời gian hình dung bối cảnh sẽ diễn ra. Bạn có thấy rõ bối cảnh truyện không? Các địa điểm chính xuất hiện trong truyện thì sao?
Nếu bạn viết truyện giả tưởng, bạn cũng nên bắt đầu xây dựng thế giới hư cấu: địa lý, văn hóa, tôn giáo và những yếu tố quan trọng khác của vũ trụ truyện.
☘ Bước 6: Phát triển tiền đề
Khi các yếu tố như nhân vật, xung đột, và bối cảnh dần được hình thành, đây là lúc xác định xem ý tưởng truyện của bạn có thể phát triển thành một câu chuyện hoàn chỉnh hay không bằng cách tạo một câu tiền đề (premise).
Câu tiền đề là một hoặc hai câu tóm tắt tinh thần của truyện, và nó rất cần thiết dù bạn có định lập dàn ý kỹ lưỡng hay không. Nếu bạn có thể viết được một tiền đề đơn giản, rõ ràng, bao gồm các yếu tố chính của truyện, bạn sẽ bước tiếp hành trình viết với sự tự tin và định hướng rõ ràng.
☘ Bước 7: Vạch ra các mốc chính
Khi đã có tiền đề, bạn có thể (nếu muốn) lập sơ đồ các mốc lớn trong truyện (các sự kiện hoặc bước ngoặt). Làm bước này chi tiết hay đơn giản tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn là người lập dàn ý kỹ, bạn có thể dùng Cấu trúc ba hồi (3-Act Story Structure) hoặc một trong các phương pháp mà tôi sẽ viết ở bài sau để vạch ra câu chuyện.
Còn nếu bạn thích sự linh hoạt, hãy thử xác định sáu mốc lớn sau:
• Móc câu (Hook): Mở đầu với một xung đột thường nhật cho thấy khiếm khuyết trong thế giới hay chính nhân vật.
• Biến cố khởi đầu (Inciting Incident): Một sự kiện khiến nhân vật phải đối mặt với vấn đề hoặc thay đổi cuộc sống.
• Điểm chuyển biến thứ nhất (First Plot Point): Nhân vật bắt đầu hành trình, theo đuổi mục tiêu thật sự.
• Điểm giữa truyện (Midpoint): Một sự kiện lớn khiến nhân vật thay đổi góc nhìn hoặc hiểu sâu hơn về hành trình của mình.
• Cao trào (Climactic Sequence): Cuộc đối đầu cuối cùng, nơi nhân vật đạt được mục tiêu hoặc chiến thắng phản diện.
• Kết truyện (Resolution): Cảnh kết thúc, thể hiện hậu quả của hành trình và trạng thái mới của nhân vật.
☘ Bước 8: Xác định hành trình nội tâm
Xung đột tạo ra các kết quả bên ngoài và bên trong. Nếu bạn chưa xác định trở ngại nội tâm chính cản trở hành trình của nhân vật, hãy dành thời gian làm điều đó. Liệu có nỗi sợ, khiếm khuyết hay niềm tin sai lầm nào khiến họ không thể đạt được mục tiêu? Trở ngại này sẽ tác động thế nào đến hành vi và phản ứng của họ? Đây sẽ là nền tảng cho chuỗi biến chuyển tâm lý nhân vật. Xác định xem chuỗi chuyển biến này là tích cực, tiêu cực hay giữ nguyên sẽ giúp bạn định hình câu chuyện rõ ràng hơn.
☘ Bước 9: Xác định chủ đề của truyện
Chủ đề không chỉ dành cho môn Văn. Thực ra, chủ đề chính là vấn đề mà câu chuyện khám phá, thường xuất hiện một cách tự nhiên từ tình tiết và sự phát triển nhân vật.
Thông điệp mà độc giả rút ra từ quá trình phát triển này gọi là mệnh đề chủ đề, và chính chúng mang lại ý nghĩa cho truyện. Việc xác định trước chủ đề và thông điệp sẽ giúp bạn xây dựng câu chuyện có chiều sâu cảm xúc ngay từ đầu.
☘ Bước 10: Phát triển dàn nhân vật phụ
Khi các yếu tố chính đã hoàn thiện, giờ là lúc làm cho câu chuyện thêm chiều sâu, bắt đầu từ nhân vật phụ. Trừ khi nhân vật chính sống trong thế giới khép kín, họ chắc chắn có các mối quan hệ tác động đến hành trình. Hãy dành thời gian khám phá các mối quan hệ này và vai trò của chúng. Nếu bạn có thể loại bỏ một nhân vật mà không ảnh hưởng đến cốt truyện, thì có lẽ họ không đủ quan trọng để xuất hiện. Ngoài ra, đừng để nhân vật chính trò chuyện với những hình nộm. Hãy xây dựng nhân vật phụ có chiều sâu thật sự.
☘ Bước 11: Xây dựng các tuyến truyện phụ
Truyện phụ (subplots) là các mạch truyện thứ cấp mang lại sự phong phú cho tác phẩm. Nhưng đừng thêm cho có, tuyến phụ tốt nên bắt nguồn từ các mục tiêu thứ cấp của nhân vật chính hoặc từ mục tiêu, động cơ của nhân vật phụ. Dù là phụ, những tuyến truyện này vẫn phải góp phần vào xung đột trung tâm, làm phức tạp hành trình bên ngoài và nội tâm của nhân vật chính.
Nếu bạn có thể cắt bỏ một tuyến truyện phụ mà không ảnh hưởng đến cốt truyện chính, thì nó chỉ là chi tiết thừa. Hãy chắc chắn rằng các tuyến truyện phụ của bạn góp phần nâng đỡ câu chuyện và làm phong phú hành trình nhân vật, bạn sẽ không bao giờ thất bại với điều đó.

—-

Liên hệ tư vấn xuất bản sách

Đinh Phương Ly, M.Sc.

📧 Email: dinhphuongly.DPL@gmail.com
🌐 Website: https://dinhphuongly.com/
📌 Facebook: https://www.facebook.com/dpl.dinhphuongly
💬 Zalo: 0904572037

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *